Ly hôn với chồng đã chết

Giữa năm 2019, một phụ nữ tên tên Ako, 50 tuổi, đệ đơn ly hôn người chồng đã chết cách đó hai năm. Ako đã nhiều lần nghĩ đến ly dị nhưng tự nhủ cố chờ con học xong đại học. Năm 2017, chồng bà qua đời vì ung thư. Kiệt sức sau thời gian chăm cả chồng lẫn bố chồng, Ako đâm đơn ly dị.

Lý do khiến người phụ nữ này ly hôn là không thể tiếp tục chăm sóc gia đình chồng. “Ngay từ lúc chồng tôi còn sống, tôi đã bị ép trở thành người chăm sóc chính cho bố chồng 80 tuổi bị tiểu đường”, Ako chia sẻ. “Chồng tôi làm ở một công ty thương mại, thường xuyên làm việc khuya, cuối tuần lại đi chơi golf, chẳng bao giờ hỗ trợ tôi”.

Ako đã nhiều lần nghĩ đến ly dị nhưng tự nhủ cố chờ con học xong đại học. Năm 2017, chồng bà qua đời vì ung thư. Kiệt sức sau thời gian chăm cả chồng lẫn bố chồng, Ako đâm đơn ly dị. Hiện nay, bà làm việc bán thời gian và được nhà ngoại hỗ trợ nuôi con.

Ảnh: J-Cast.

Ảnh: J-Cast. Ako đã nhiều lần nghĩ đến ly dị nhưng tự nhủ cố chờ con học xong đại học.

Tại Nhật, thông thường, ly hôn cần sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu một trong hai người đã qua đời, người còn lại có thể chủ động ly hôn và cắt đứt quan hệ với gia đình của vợ/chồng mình.

Thủ tục ly hôn này khá đơn giản. Người muốn ly hôn chỉ cần điền vào mẫu đơn và nộp lên chính quyền địa phương cùng một số giấy tờ tùy thân và giấy chứng tử của vợ/chồng. Gia đình người bị ly hôn không có quyền can thiệp. Người muốn ly hôn có thể nộp đơn bất cứ lúc nào sau khi vợ/chồng qua đời, không cần chờ đợi.

Theo Bộ Tư pháp Nhật, năm 2013, số ca ly hôn người đã chết là hơn 2.000, đến năm 2016 tăng lên hơn 4.000. Số liệu thống kê không phân chia theo giới tính song các chuyên gia đồng tình rằng phần lớn người nộp đơn ly dị kiểu này là phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu do gánh nặng chăm sóc gia đình chồng. 

Từ năm 2016, Văn phòng Luật Haru ở Tokyo mỗi năm tư vấn cho khoảng 30 phụ nữ muốn ly hôn chồng đã chết. Gần đây, họ tiếp một nữ nhân viên văn phòng 43 tuổi ở tỉnh Mie. Cô cho biết chồng mình là con duy nhất trong nhà, từ nhỏ chỉ sống với mẹ còn bố đã bỏ đi. Đến năm 2016, bố chồng nữ nhân viên này qua đời. Cảnh sát yêu cầu chồng cô tổ chức tang lễ song anh đã mất cách đó ba năm, khiến vợ phải chịu trách nhiệm thay.

Không muốn thêm gánh nặng, nữ nhân viên ly hôn, từ bỏ quyền thừa kế và mọi nghĩa vụ liên quan gia đình chồng. “Tôi sẽ không cắt hẳn quan hệ với nhà chồng nhưng muốn ít gánh nặng nhất có thể”, cô bộc bạch. Giờ đây, dù đã ly dị chồng, nữ nhân viên vẫn giữ mối quan hệ tốt với mẹ chồng, thường xuyên giúp bà mua sắm và khám bệnh. 

Chuyên gia tư vấn hôn nhân Takahara Sakiko 61 tuổi thì ly dị chồng đã mất vì ông này từng ngoại tình khi còn sống. Năm 2010, chồng Sakiko nhập viện vì ung thư. Bà dẹp bỏ mọi giận dữ để chăm sóc ông nhưng rồi phát hiện chồng vẫn để ảnh chụp với tình nhân trong túi áo. “Tôi không muốn sống cả đời với tư cách là vợ ông ta nữa”, Sakiko nói.

Năm 2011, chồng Sakiko qua đời. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin và trao đổi với con gái, bà nộp đơn ly hôn, nhanh chóng rời khỏi nhà chồng.

Từ ba năm trở lại đây, Sakiko tổ chức các hội thảo về ly hôn chồng quá cố. Dù không hối hận về quyết định của mình, bà “không khuyến khích điều này” và đề nghị các cô vợ trước khi nộp đơn hãy tham khảo ý kiến các con. Đặc biệt, mỗi người nên trao đổi rõ ràng với chồng và anh chị em chồng về nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ chồng ngay từ sớm. 

Luật sư Mito Ayako, người tiếp nhận trường hợp Ako, thì khuyên: “Vợ chồng nên quan tâm và bày tỏ sự biết ơn của mình đến người kia. Như vậy, những cuộc ly hôn sau khi chết sẽ không còn cần thiết”.

Minh Trang (Theo Asahi Shimbun, Diamond)